telegram
whatsapp
call
zalo
chat

Tư vấn luật: Thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế

Thừa kế là sự chuyển dịch tài sản của người chết cho người còn sống. Thừa kế luôn gắn với sở hữu. Vậy khi người thừa kế không muốn nhận thừa kế thì hồ sơ cũng như trình tự thủ tục từ chối nhận di sản bao gồm những gì? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để được Tư vấn luật về thừa kế nhé!

1. Một số khái niệm chung

Thừa kế là sự chuyển dịch tài sản của người chết cho người còn sống

Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

2. Quyền từ chối nhận di sản thừa kế

Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản thừa kế theo quy định tại Khoản 1 Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 quy định chi tiết về từ chối nhận di sản thừa kế, như sau:

“Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.”

Như vậy, theo quy định trên thì người được quyền từ chối hưởng tài sản thừa kế là người được hưởng di sản. Người thừa kế có quyền được từ chối nhận di sản theo ý chí của mình, trừ các trường hợp từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác như: nghĩa vụ trả nợ, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ nộp thuế, nghĩa vụ cấp dưỡng…

3. Hình thức của việc từ chối nhận di sản thừa kế

Theo quy định tại khoản 2 Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 thì việc từ chối nhận di sản thừa kế phải được lập thành văn bản và phải gửi văn bản từ chối này đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

Người thừa kế có thể công chứng văn bản từ chối nhận di sản nếu có nhu cầu. Khi yêu cầu công chứng, người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản sao di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế; giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết.

4. Thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế

4.1. Hồ sơ từ cần chuẩn bị

+ Văn bản từ chối nhận di sản;

+ Bản sao Giấy chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng của người yêu cầu chứng thực (xuất trình kèm theo bản chính để đối chiếu);

+ Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó (xuất trình kèm theo bản chính để đối chiếu).

4.2. Trình tự từ chối nhận di sản thừa kế

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ được nêu rõ tại mục 4.1 bài viết này

Bước 2: Nộp hồ sơ

Người từ chối nhận di sản lập hồ sơ và nộp tại tổ chức hành nghề công chứng (Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng), hoặc chứng thực ở Ủy ban nhân dân cấp xã.

Bước 3: Tiếp nhận và xử lý yêu cầu:
  • Trường hợp hồ sơ đầy đủ:

+ Công chứng viên tiếp nhận, kiểm tra và giải thích quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc từ chối. Đồng thời sẽ kiểm tra dự thảo (nếu có) hoặc soạn dự thảo văn bản từ chối. Sau khi đọc lại dự thảo, người yêu cầu công chứng sẽ được hướng dẫn ký vào từng trang của văn bản;

+ Người làm chứng phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến giao dịch. Người làm chứng do người yêu cầu chứng thực bố trí.

Trường hợp người yêu cầu chứng thực không bố trí được thì đề nghị cơ quan thực hiện chứng thực chỉ định người làm chứng.

  • Trường hợp hồ sơ không đầy đủ:

+ Công chứng viên tiếp nhận, kiểm tra và thông báo bổ sung giấy tờ theo quy định.

+ Trong trường hợp yêu cầu từ chối không thể thực hiện được, Công chứng viên sẽ trả lại hồ sơ và giải thích rõ lý do.

Bước 4: Ký văn bản từ chối di sản và trả kết quả

+ Người thực hiện chứng thực (hoặc người tiếp nhận hồ sơ) ghi lời chứng theo mẫu quy định. Trường hợp tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông thì người tiếp nhận hồ sơ ký vào từng trang của văn bản từ chối và ký vào dưới lời chứng theo mẫu quy định.

+ Người thực hiện chứng thực ký vào từng trang của văn bản từ chối (nếu hồ sơ không được tiếp nhận qua bộ phận một cửa, một cửa liên thông), ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.

+ Trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký được thì phải điểm chỉ; nếu người đó không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có 02 (hai) người làm chứng.

+ Đối với văn bản từ chối có từ 02 (hai) trang trở lên, thì từng trang phải được đánh số thứ tự, có chữ ký của người yêu cầu chứng thực và người thực hiện chứng thực; số lượng trang và lời chứng được ghi tại trang cuối của văn bản từ chối nhận di sản.

Trường hợp văn bản từ chối nhận di sản có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.

+ Sau khi đã ký, đóng dấu vào văn bản từ chối, người yêu cầu công chứng phải trả phí, thù lao công chứng theo quy định và nhận lại văn bản từ chối di sản thừa kế đã được công chứng.

Như vậy, người thừa kế có quyền được hưởng di sản thừa kế của người mất để lại. Tuy nhiên, khi người thừa kế không mong muốn nhận di sản thừa kế vẫn có quyền từ chối nhận di sản theo đúng quy định của pháp luật.

Trên đây là bài viết chúng tôi giới thiệu đến quý khách hàng về thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế cùng các vấn đề có liên quan. Trong quá trình tìm hiểu nếu còn thắc mắc Quý khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi hoặc liên hệ với Luật sư Thuận An để được Tư vấn luật không chỉ về từ chối nhận di sản nói riêng mà còn về thừa kế nói chung.

 

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT MIỄN PHÍ 24/7

HÃY GỌI NGAY: 0918 22 99 88

Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí cho mọi người với đội ngũ luật sư tư vấn tân tình. Hãy gọi ngày cho chúng tôi để được tư vấn luật miễn phí và chính xác nhất.

LƯU Ý

Tất cả các bài viết được đăng tải trên website: http://giaidapluat.com chỉ mang tính chất tham khảo và không được coi là ý kiến tư vấn để áp dụng trong các trường hợp cụ thể của khách hàng. Nghiêm cấm sao chép, tái bản dưới mọi hình thức khi chưa được sự chấp thuận bằng văn bản của GIẢI ĐÁP LUẬT và người gửi yêu cầu tư vấn.

Chuyên Mục: Dân Sự,Luật Mới,Luật Sư

Chủ Đề: ,,,